Bắc Kạn chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa giả
BBK- UBND tỉnh Bắc Kạn vừa có Công văn số
3085/UBND-VXNV ngày 23/4/2025 về việc chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh,
quảng cáo, sử dụng sản phẩm thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa giả trên địa
bàn tỉnh.
Công văn gửi các Sở Y tế, Công Thương; Công an tỉnh; Ủy ban
MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và UBND các huyện, thành
phố.
Đoàn kiểm
tra của Sở Y tế kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn phường Nguyễn
Thị Minh Khai, TP. Bắc Kạn
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các sở, ngành,
đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công văn số
2959/UBND-VXNV ngày 21 tháng 4 năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về
việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe
giả và một số nhiệm vụ sau:
Đối với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong
toàn ngành y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược do Sở Y
tế quản lý; cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh chủ động rà soát, thu hồi các
loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, sữa giả do nhóm công ty thuộc
Công ty Cổ phần dược quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dược quốc tế Group.
Kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm
bảo vệ sức khỏe giả; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong xử lý vụ việc
vi phạm (nếu có).
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền đối
với các nhà thuốc/quầy thuốc bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở
kinh doanh dược, nếu phát hiện kinh doanh thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe
giả, sữa giả thì xử lý theo thẩm quyền. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn
chỉnh nếu phát hiện hành vi trong khám bệnh, chữa bệnh như: Kê đơn, chỉ định sử
dụng thuốc đối với các thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp
luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh.
Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết
bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có
hành vi khác nhằm trục lợi. Người hành nghề bán thuốc dưới mọi hình thức. Lợi
dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi. Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản
lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã
được xác nhận. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp cá nhân y, bác sĩ vi phạm.
Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan báo chí cung cấp
nội dung truyền thông cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh cách nhận biết để không
mua và sử dụng sản phẩm thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả và sữa giả,
cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo.
Các sở Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh và Ủy
ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh, Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố được giao nhiệm vụ thực hiện theo chức năng của các đơn
vị.../.
Nguồn:
Lý Dũng/baobackan.vn