Hội viên nông dân xã Cốc Đán làm giàu từ Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp
Trong
những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi,
đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được phát động và có sức
lan tỏa rộng khắp trên địa bàn xã Cốc Đán, qua đó xuất hiện nhiều gương nông
dân điển hình làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như hộ gia đình
hội viên nông dân Bàn Thị Minh Huyền - thôn Cốc Moỏng, xã Cốc Đán, huyện Ngân
Sơn, tỉnh Bắc Kạn với Mô hình trang trại tổng hợp đem lại thu nhập hàng trăm
triệu đồng/năm.
Chị Huyền dẫn chúng tôi đi thăm mô
hình trang trại phát triển kinh tế của gia đình được bao bọc xung quanh toàn là
những loại cây ăn quả, chị chia sẻ: Xuất
thân từ gia đình thuần nông chủ yếu chỉ trồng lúa, mỗi năm sản xuất 1 vụ chỉ đủ
lương thực dùng cho gia đình. Hoàn cảnh khó khăn đeo bám nên đến năm 2016, gia
đình quyết định chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác, đất vườn tạp sang xây
dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn đen bản địa. Cuộc sống gia đình bắt đầu có sự
chuyển biến tích cực, có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.
Với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, từ hộ nghèo gia đình
chị Bàn Thị Minh Huyền, thôn Cốc Moỏng đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ
điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã
Cốc Đán
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình
đang thực hiện, năm 2023 gia đình chị Huyền tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích
trang trại, mở rộng ao chăn nuôi vịt kết hợp chăn nuôi gà. Từ sự mạnh dạn đó,
mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định, cuộc sống được nâng
cao. Sau nhiều năm đầu tư theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, hiện tại
mô hình kinh tế được mở rộng, phát triển đa dạng với các sản phẩm như thịt lợn
đen bản địa, vịt, gà thịt, trứng,… đã cho thu nhập cao và ổn định.
Chị Huyền cho biết: Hiện tại trang
trại tổng hợp của gia đình với tổng diện tích 260m2 được quy hoạch
làm 13 chuồng nuôi lợn đen. Mô hình chăn
nuôi theo hướng hàng hóa, quy mô từ 30 con trở lên/ lứa, trọng lượng mỗi con
khi xuất chuồng đạt từ 60 kg trở lên. Giá thị trường hiện nay từ khoảng 68.000đ
- 75.000đ/kg móc hàm, doanh thu khoảng 126 triệu đồng/lứa/6 tháng, sau khi trừ
chi phí mỗi tháng lãi khoảng 2 - 3 triệu đồng.
Thu nhập từ mô hình đã giải quyết
nguồn lao động trong gia đình, tạo điều kiện cho con cái ăn học, mua sắm các
phương tiện, vật dụng sinh hoạt gia đình đầy đủ, có nguồn vốn tích lũy để mở
rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra còn giúp cho 2 lao động thường xuyên, giúp nhân
rộng con giống và kinh nghiệm làm kinh tế cho bà con nhân dân trên địa bàn.
Từ một hộ nghèo, gia đình chị Bàn Thị
Minh Huyền đã vươn lên lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng trên mảnh
đất quê hương, liên tục nhiều năm đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh
giỏi của xã Cốc Đán và huyện Ngân Sơn. Năm 2024, gia đình chị Huyền được UBND
xã tặng giấy khen danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai
đoạn 2021-2024 ”./.
Đồng
Thị Diễm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cốc Đán